[Câu Chuyện Khởi Nghiệp] 7 nỗi buồn khi khởi nghiệp
Khi bắt tay vào khởi nghiệp bên cạnh những lúc hừng hực sức sống thì cũng có lúc não trạng như đóng băng, không muốn tiếp xúc với ai. Vì lúc đó cảm giác rằng mình buồn mà không ai thấu. Nên nhớ rằng mình là người chọn con đường này chứ không phải là những người xunh quanh. Họ không có nghĩa vụ phải chia sẻ với mình. Vì thế phải nhận diện cho rõ những giây phút yếu lòng và chuẩn bị trước cho chính mình những biện pháp để vượt qua.
1. Nỗi buồn bị bỏ rơi: Kiếm một người đồng hành không dễ, giữ một người đồng hành khó van lần hơn. Mà còn buồn hơn là khi đào tạo và hướng dẫn các bạn trẻ hừng hực lửa, rồi vài tháng sau thì…”Anh rất tốt nhưng em rất tiếc…”. Lí do thì muôn vàn, từ sức khỏe đến việc nhà, chuyện học để rồi vài tháng sau lại thấy “người ấy” tung tăng ở đơn vị khác. Cũng hừng hực lửa không kém.
Hay là co founder bỏ nhau đi sau bao đêm gần như ôm nhau tâm sự về tương lai. Cái cảm giác “Em tưởng cái giếng sâu
Em nối sợi dây dài
Ai ngờ cái giếng cạn
Em tiếc hoài sợi dây”
2. Nỗi buồn túng thiếu: “Khởi nghiệp mà…!” Khách hàng thì dăm ba bữa chưa có, nhưng chi phí thì lúc nào cũng phải đều đặn. Có những lúc miệng cười với khách nói rằng “Café để đấy em trả” mà lòng lo lắng không biết đủ tiền lấy xe không. Quần áo vẫn phải tươm tất. Mẹ dặn “Đã ra đường thì cái mũ cũng đội cho ngay”. Mà lửa cỡ nào thì lửa, 6 tháng không thu nhập mà còn phải lên gân tinh thần cho đội nhóm thì quả là “thằng đấy có bệnh kín…mặt lúc nào cũng nhăn nhó…khổ vãi”.
3. Nỗi buồn nhà hàng xóm sáng đèn: Khi mà con nhà người ta cũng làm chung ngành hay là một thằng cha căn chú kiết nào đó cũng khởi nghiệp, và ác nghiệt là giống giống ta. Mà còn ác hơn là mình thấy nó cứ cười phớ lớ, khách hàng đầy ngập facebook. Suốt ngày cứ phải soi mói làm sao cho tốt hơn nó mà có biết đâu có khi nó lại nghĩ y như mình. Đi networking thì gặp nhau tay bắt mặt mừng kể về cái hợp đồng sắp có…
4. Nỗi buồn đi trước về sau: Kinh nghiệm đầy mình, tầm nhìn 300 cây số. Mở ngay doanh nghiệp tấn công vào đại dương xanh. Ngày hôm sau mở báo thấy có đứa làm y chang bắt chước…vài tháng sau thấy nó gọi được vốn. Lòng cay đắng…vì sao biển xanh lại mặn? Nó hay hơn gì chứ, bắt chước mà….hay. Đắng à mà thôi….vì còn bận loay hoay đi copy lại của nó cho đỡ buồn.
5. Nỗi buồn kẻ khóc, người cười: “I started a joke which started the whole world crying. But I didn't see that the joke was on me oh no. I started to cry which started the whole world laughing. Oh If I'd only seen that the joke was on me” đại khái là khi tôi cười thì thế gian khóc, khi tôi khóc thì thế gian cười…thực ra là tôi mới là người không thấy tôi là trò cười. Lúc thị trường khó khăn, mình làm phây phây cười chê chúng dở…đến lúc chúng làm ra, mình thì mặt mo chờ khách….
6. Nỗi buồn vác đá vá trời: Thị trường khó lắm rồi, không còn ai làm thế hay là chưa ai làm thế bao giờ. Nhưng “Khởi nghiệp mà…” cần có niềm tin và niềm tin mãnh liệt. Ráng lên 1 xíu nữa thôi là mình chứng minh được…Một ngày dài tự ngàn thu. Ai cũng cần có một cái garage để khởi nghiệp và quan trọng là sẽ ở cái garage ấy trong bao lâu.
7. Nỗi buồn ế độ: Bạn bè xa lánh, người quen kỳ thị chỉ vì “Suốt ngày nói chuyện công việc”. Ôi các em xinh tươi, ngày xưa anh là soái ca ngôn tình mở miệng mật ngọt đầy tai…vậy mà chỉ vì cái giấc mơ mà hóa ra tên khờ chỉ biết công việc.
Nói tóm lại, nguyên tắc bảo toàn của nỗi buồn là “nỗi buồn không tự sinh ra, nó chỉ chuyển từ người này sang người khác” bởi vì khởi nghiệp chỉ là một phiên bản khác của series truyền hình “Game of Thrones” u ám.
EmoticonEmoticon