VÕ THUẬT VÀ KINH DOANH – PHẦN 3
16. Lực bất đả quyền, quyền bất đả công/ Luyện quyền bất luyện công, Đáo lão nhất trường không (Võ sư Tế Công – Tổ phái Vịnh Xuân tại Việt Nam): Dịch ra: Lực không đánh lại được với quyền thuật, quyền thuật không thể đọ được với công phu. Luyện tập quyền pháp mà không luyện công phu thì tới già cũng chả nên việc gì! Chúng ta cả đời đi học nhiều thứ trong kinh doanh, các kỹ thuật và cách làm khác nhau, rốt cuộc nếu không nắm được cái cốt lõi khiến các nhà kinh doanh thành công, hay đúng hơn là cái cách phù hợp độc đáo của riêng mình để làm ra tiền thì sẽ không đạt được công cán gì! Tôi từng hỏi một nhà tư vấn của một tập đoàn lớn, anh này rất thành công trong công việc của mình, về định nghĩa nghề nghiệp của anh ta. Câu trả lời: Tư vấn nghĩa là khi gặp tôi, người ta sẽ thấy họ có quá nhiều vấn đề và chỉ có người trước mặt mới giải quyết được vấn đề đó. Nên chăng, chúng ta biến doanh nghiệp thành đối tượng mà khách hàng cần, dù là theo nghĩa nào?
17. Nhất lực, nhì quyền (Cố Võ sư Thái Bá Sao, Vĩnh Xuân): Trong giao đấu, múa may cỡ nào, đòn đẹp và đa dạng ra sao, nhu hay cương cuối cùng cũng kết thúc bằng việc lực của đòn đánh đưa vào người đối thủ có đủ mạnh để họ đo sàn hay không. Trong kinh doanh cũng thế, giỏi hay dốt thì cũng dừng lại ở chỗ lỗ hay lãi, mà cái này thì tới từ chuyện công ty làm thị trường có đủ mức để khách hàng “ngấm đòn” hay không!
18. Nhất thốn trường, nhất thốn cường/Nhất thốn đoản, nhất thốn miện (Vịnh Xuân phái) – Một thốn (đơn vị đo khoảng cách giữa các huyệt vị bằng chiều dài đốt giữa của ngón tay giữa của từng người) dài ra thêm làm vũ khí mạnh thêm một phần, do vậy khi trong truyện cổ kể về binh khí dài bao nhiêu chúng ta hiểu lực người dùng mạnh bấy nhiêu. Một thốn ngắn lại, khiến vũ khí không lợi về lực nhưng lại lợi về tính “biến trá”, tức là linh hoạt tới mức hung hiểm hơn. Nói như vậy để thấy, sở trường hay sở đoản của một vũ khí hay của một công ty nếu phát huy đúng cách vẫn mang lại lợi ích như nhau!
19. Luyện lấy tinh không cần nhiều, hiểu cần nhiều nhưng luyện ít (Võ sư Hàng Thanh- Tác giả cuốn 52 Tuyệt kỹ công phu) Câu này đã quá rõ rồi, không chỉ ở tầm công ty mà ở tầm quốc gia. Nó cho biết lý do vì sao kinh tế Việt Nam có thời bị gọi là “nền kinh tế quả mít” khi cái gì cũng tập trung vào, cái gì cũng muốn phát triển và kết quả là thua hết những nước khác, không phải ở Châu Âu mà ở khu vực Đông Nam Á, khi họ chỉ tập trung vào một số lượng giới hạn các điểm mạnh của mình.
20. Tâm ứng thủ (Vịnh Xuân môn): Nghĩ tới là thực hiện được chuẩn xác được ngay. Khoảng cách giữa ý nghĩ tới hành động tuy ngắn nhưng lại rất xa, ngắn về mặt vật lý nhưng xa về mặt tâm lý vì khi đó ý chí dạng vô hình của một con người chuyển dạng thành hành động hữu hình và trong nhiều trường hợp nó không giống y hệt được như suy nghĩ của anh ta. Tập võ tới mức mà ý nghĩ vừa thoáng xuất hiện, quyền cước đã chuẩn xác bung ra theo ý hành giả thì thường là người khó có thất bại. Trong võ thuật để đạt tới mức ấy bắt buộc phải thực hành nhiều tới mức dẹp mọi xúc cảm sang một bên để cử động “tự nhiên như nhiên”, nhẹ nhàng như không phải là người biết võ! Trong kinh doanh cũng thế, mọi lý thuyết phải được chuyển hóa trong tư tưởng của người làm kinh doanh, đúc rút lại thành phản xạ, chứ không phải là thị trường đang ở mức A thì mình đưa giải pháp ở mức B giống y như trong sách đã dạy!
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt/ Chuyên gia đào tạo Kỹ năng Sales và Quản lý Bán hàng
Xem tiếp: Võ Thuật và Kinh Doanh - P4
EmoticonEmoticon