VÕ THUẬT VÀ KINH DOANH - PHẦN 2
7. “Có 3 mức ra đòn, thứ nhất là đánh cho không nhìn được mà đỡ, thứ hai là đánh cho nhìn thấy mà đỡ không được, thứ ba, cao nhất là đánh cho nhìn được, đỡ được nhưng vẫn nhận đủ hậu quả” (Châm ngôn Nội gia) -- Con đường đi từ sự phức tạp về sự giản dị đôi khi chỉ có thế. Đánh cho không nhìn được là khi đối thủ tìm cách làm hoa mắt anh chị, tức là làm nhiều xảo thuật, cũng đã là một loại kỹ năng tốt, tuy nhiên lại khá mất sức và làm chúng ta mệt mỏi nhanh. Nhìn thấy mà không đỡ được, đó là khi lợi dụng thế của đối phương mà tấn công ở góc có nhìn được nữa thì cũng không kịp đỡ. Túm lại, chúng ta đã vượt qua hoặc đi trước sự phòng thủ của đối phương. Điều này đỏi hỏi phải biết kỹ tâm lý của đối phương rồi mới ra đòn vì lừa họ vào thế do chính cách nghĩ của mình mà thành ra thua. Một ví dụ: Công ty X ra thông báo sẽ làm chương trình khuyến mại sản phẩm kem đánh răng trong 2 tuần tới để hãng Y đối thủ đua theo chuẩn bị, tới lúc tung chương trình thì họ lại đưa ra sản phẩm bột giặt đã được cải tiến. Khiến đối thủ không kịp trở tay và chiếm thêm một tỷ lệ % thị phần không nhỏ. Cuối cùng, nhìn thấy, đỡ được mà vẫn dính đòn, đây là cảnh giới cao nhất, là khi cạnh tranh bằng chân tài, thực học và không có gì phải có đòn biến trá hay hỏa mù. Cách này đòi hỏi phải nắm rất vững điểm mạnh của bản thân cũng như tập trung toàn lực vào thế mạnh đó.
8. “ Năm thứ 1, học trò phải giống y như thầy, không sai một ly, không thì hỏng. Năm thứ 2 học trò phải có cái khác thầy, nếu không hỏng. Năm thứ 3, học trò mà còn giống thầy cái gì, thì hỏng thật!” (Cố Võ sư Thái Bá Sao Vịnh Xuân) – Trong kinh doanh thì tôi tin ai cũng phải học của ai đó, nhưng người giỏi thì sau đó sẽ phải biến đổi những gì mình học cho phù hợp với cá tính và đặc điểm của bản thân mình. Có thể thì họ mới có sự nghiệp riêng, do mỗi cá nhân là một thực thể riêng, duy nhất! Cái khác này cũng thể hiện tâm tính độc lập vươn lên của người làm doanh chủ, dứt khoát không bị cái bóng của người thầy hay những kiến thức học được che phủ.
9. “Hãy nhằm vào chỗ thủ kín nhất mà đánh!” (Cố Võ sư Thái Bá Sao Vịnh Xuân) – Chỗ phòng bị kín nhất thường là chỗ làm người ta chủ quan nhất vì tưởng nó kiên cố. Chính cái kiểu tận dụng tâm lý chủ quan này khiến cho nhiều doanh nghiệp chiến thắng đối thủ vốn đang dẫn đầu trên thị trường do tận dụng kẽ hở mà họ để lại.
10. “Vô kiên bất phá, duy khoái bất phá!” (Không có gì kiên cố mà khong phá được, chỉ có sự nhanh nhẹn là không bao giờ phá được!) (Châm ngôn Nội gia) Trong võ hay trong kinh doanh, hành động nhanh hơn người khác, “tiên hạ thủ vi cường” luôn là một yếu tố khiến đối thủ bị đặt vào thế bị động và quan trọng hơn cả, là phải bắt đầu chơi theo luật chơi mà anh chị đặt ra cho họ. Một bên thì cứ chủ động đi trước, một bên thì cứ phải hì hục đi theo cho kịp trào lưu, lại phải vừa chấn chỉnh đội ngũ và tìm hiểu điểm yếu của đối phương. Xem tình thế đã có thể thấy ngay ai chiếm thượng phong! Sự kiện Vietel ra đời và chủ động dịch chuyển đánh về nông thôn nơi có đông dân nghèo hơn sinh sống cuối cùng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt so với hai đối thủ xuất phát sớm hơn là Vinaphone và Mobifone.
11. “Thưa thầy, thầy từng nói trong các cuộc đấu thầy chưa từng thua, vậy giờ nếu phải đấu thì thầy xác định tỷ lệ thắng là bao nhiêu ạ?” “50/50” (Cố Võ sư Thái Bá Sao, Vịnh Xuân)– Chưa từng thua không có nghĩa là sẽ khong thua, người xác định rõ được điều đó có thể coi là đã thành công rồi! Kinh doanh cũng vậy, khởi sự mà cứ mải hình dung mình sẽ giàu có ra sao khi thành công thì không bằng thản nhiên tập trung toàn bộ sức lực vào những gì diễn ra trước mắt và chấp nhận rủi ro có thể xảy ra.
12.“Cả lực lẫn độ khéo của mày đêu đang ở mức kém, nhưng mày không sợ, thế là được!” (Cố Võ sư Thái Bá Sao Vịnh Xuân) – Tôi không bao giờ quên sự ngạc nhiên của mình khi nghe lời nhận xét này sau một buổi thầy cho tôi tập thử với thầy. Tời giờ thì tôi mới hiểu, hóa ra cái đọng lại sau thời gian tập võ với một người kém cả về thể lực lẫn độ khéo léo như tôi chính là cái sự “không sợ”. Cái đó không khác gì sau vô vàn thất bại trong kinh doanh, tôi thấy sự tự tin do gặp và vượt qua thất bại mới là quan trọng nhất! Giờ có tính làm gì mới, tôi luôn tính cả khả năng thất bại vào đó để biết nếu thua nhiều nhất sẽ là bao nhiêu!
13.“Vì sao tôi nghĩ mình sẽ thắng ư? Đối thủ của tôi có tỷ lệ thắng 100%, sẽ tới lúc anh ta phải thua, còn tôi, tỷ lệ thắng thua là 70/30, làm sao mà tôi không thắng được chứ?” – Trước câu nói này, tôi rất ghét võ sĩ Chael Sonnen do anh ta bạo miệng cứ xơi xơi nhận xét bất kể người khác nghĩ gì. Nhưng sau câu nói này của anh ta, tôi đã thấy anh ta là người đáng yêu. Trong kinh doanh hay bất kỳ lĩnh vực nào khác người chuyên nghiệp là người coi trọng những nỗ lực trong quá khức dù nó đưa lại thành công hay thất bại. “Không thành công thì cũng thành nhân”, tôi sẽ tự hào nếu mình cố gắng hết sức trong mọi việc mình làm chứ không phải vì tôi đã may mắn chiến thắng mà chả hiểu tại sao mình lại thắng.
14.“Trước khi học, cú đấm chỉ là cú đấm, cú đá chỉ là cú đá, trong khi học cú đấm không còn là cú đấm và cú đá không còn là cú đá, sau khi học xong thì cú đấm lại là cú đấm, cú đá lại là cú đá!” Câu này được Lý Tiểu Long mang sang Mỹ nhưng thực chất lại là một câu trong kinh Phật: “Trước khi học đạo núi chỉ là núi, song chỉ là sông. Trong khi học đạo, núi không còn là núi sông không còn là sông. Sau khi hiểu đạo, núi lại chỉ là núi, sông lại chỉ là sông!”. Dài dòng như vậy để chúng ta thấy người xưa hay nay đều có chung quan điểm. LTL thì áp dụng trong võ thuật và trở thành một võ sĩ vĩ đại. Người học Phật thì áp dụng trong học Đạo và hiểu được cái lý của sự biến chuyển về hiểu biết của con người. Ban đầu khi chúng ta chưa đi sâu vào một vấn đề, tất cả chỉ là hình tướng, chung chung không có gì hơn. Khi nghiên cứu sâu ta mới thấy, dưới hình tướng ấy có muôn vàn lý do và nguyên nhân cũng giống như cùng là hiện tượng không bán được hàng, bên trong có hàng ngàn cách lý giải và nhìn nhận khác nhau. Sau cùng, khi đã thấu rõ mọi sự, chúng ta sẽ chỉ còn thấy và nắm giữ sự hiểu về hiện tượng theo cách đơn giản nhất, cần thiết nhất cho mình. Vì lẽ đó, khi một nhân viên hỏi sếp: Tại sao ngành hàng này cạnh tranh dữ dội thế mà anh còn tham gia vào làm gì? Sếp trả lời: Vì nó cạnh tranh mạnh nên anh thấy nó còn nhiều cơ hội em ạ! Cùng một hiện tượng, cách trả lời khác nhau là do độ thâm sâu của sự hiểu!
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt/ Chuyên gia đào tạo Kỹ năng Sales và Quản lý Bán hàng
Xem tiếp: VÕ THUẬT VÀ KINH DOANH - PHẦN 3
EmoticonEmoticon