VÕ THUẬT VÀ KINH DOANH – PHẦN 4
20. “Tiểu công phu hay đại công phu, hãy nhìn kết quả” (Cố Võ sư Thái Bá Sao, Vịnh Xuân). Có một lần Sư phụ tôi chỉ cho chúng tôi cách tập nâng một vật rất nhẹ chỉ có 300 gam nhưng giữ ở một vị trí khá lâu để luyện gân tay. Bài tập này dở cái là rất mất time và khá buồn nên cả lớp không ai làm theo. Riêng tôi, do lúc đó bị chấn thương mắt cá chân khi đấu tập, phải nghỉ ngơi khá lâu nên thử. Sau 2 tuần, cổ tay tôi xuất hiện gân nổi to như một chiếc đũa, ai chạm tay với tôi cũng thấy khó chịu như chạm vào một cái lò xo sẵn sàng bật tung vào người họ! Đôi khi động tác xem chừng đơn giản lại mang lại hiệu quả không ngờ. Với công ty của tôi, đó là khi tôi duy trì những thói quen vô cùng đơn giản, hỏi nhân viên xem họ sẽ làm gì trước khi tự mình đưa ra giải pháp! Nội bộ thì như thế, ra ngoài, lúc nào có dịp ngồi với các vị đã thành công lớn, tôi luôn hỏi họ và điều tôi học được luôn luôn rất đơn giản dù là từ các vị từng làm “Soái ở bển”!
21. “Không tìm được chìa khóa, hãy đập vỡ khóa” (Cố Võ sư Trần Văn Phùng – Vịnh Xuân)- Chúng tôi khi tập luyện với nhau hay tìm cách phá hay hóa giải đòn thế của đối thủ, câu này của cụ Phùng tưởng như thô bỉ lại ẩn chứa một trí tuệ phi phàm. Chỉ cần tìm được cách đơn giản nhất, đôi khi là chúng ta thấy được cách hiệu quả nhất. Làm kinh doanh, vấn đề là hiệu quả, thay vì cứ phải thể hiện với người ngoài là chúng ta có vẻ đang thành công, hãy đạt tới thành công theo những cách ngắn và nhanh nhất. Nhiều khi tôi gặp phải vấn đề phải giải quyết để doanh nghiệp phát triển, nếu tôi coi đó là cái chỗ mắc mớ, cứ phải tìm cách giải quyết nó thì có khi tôi lại bị mắc vào đó và băn khoăn tìm lối ra để không bị ảnh hưởng tới những chỗ khác. Trong khi cách giải quyết có khi lại nằm ở chỗ, hãy bỏ qua nó và loại bỏ hẳn nó ra khỏi con đường đi của mình. Ví dụ: Khi mới bắt đầu làm mỹ phẩm, tôi cứ mặc định là người bán sản phẩm cho các salon tóc phải là con gái thì các bạn ấy mới am tường cách làm đẹp. Sau này tôi thấy mình mất quá nhiều thời gian vào việc đó, trong khi nếu tuyển cả nam thì một là thời gian rút ngắn hơn, hai là các chị em thích mua hàng của người khác giới hơn!
22. “Tay không nhanh bằng chân, chân không nhanh bằng thân” (Châm ngôn Nội gia) – Thay đổi nhanh nhất, khó đoán nhất và mạnh nhất tới từ bên trong. Nội gia (Võ Đang, Thái Cực Quyền, Phách quải, Thông bối,..)là những hệ thống võ thuật rất khoa học, lấy trung tâm cơ thể làm cốt lõi nơi xuất phát mọi đòn đánh. Lý giải cho điều này thì vô cùng đơn giản: do bởi cốt lõi đó nó gần với não nơi xuất hiện suy nghĩ nhất của hành giả! Trong doanh nghiệp, sự thay đổi nhanh nhất đồng thời khó nhận ra nhất và khiến cho mọi đối sách của đối thủ trở nên vô dụng là từ người đứng đầu doanh nghiệp. Và thường thì, các thay đổi đó là hướng vào chính nội bộ doanh nghiệp để sau đó lan tỏa ra bên ngoài. Chỉ cần họ muốn thay đổi và thực tâm làm như vậy thì các phần hoạt động hướng ra bên ngoài sẽ theo đó trở nên hiệu quả tới mức ngoạn mục.
23. “Khúc đầu khởi, khúc giữa theo, khúc cuối đuổi” (Đại Võ sư Ngô Bân – Thầy của các ngôi sao Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh)- Trong võ thì lực toàn thân là mạnh nhất, vì lực đó không phải chỉ là lực đơn lẻ từ một bộ phận mà là lực kết hợp và tiếp nối của toàn bộ thân thể. Khi một cú đấm chỉ dùng tới lực cục bộ của tay (nặng tối đa 20kg) thì không bao giờ mạnh được bằng lực của cả trọng lượng cơ thể (nặng tổng 70kg) dồn nén từ chân lên lưng ra tới ngọn cú đấm, mà lại được tăng thêm gia tốc. Trong doanh nghiệp, việc follow up mọi việc chu đáo, từ đầu tới kết thúc, khiến cho kết quả cuối cùng luôn đạt tới tầm mỹ mãn nhất! Còn khi mà cả tổ chức hướng vào trọng tâm thế mạnh của doanh nghiệp thì kết quả cuối cùng thường không có gì phải bàn cãi. Tôi vẫn nhớ mãi khi P&G định danh họ là một “selling organization” và mọi bộ phận đều hướng tới việc hỗ trợ sao cho đội sales thực hiện công việc của họ dễ dàng và nhanh nhất!
(Chú thích ảnh: Cố đại Võ sư Mas Oyama - Kyokushinkai Karate với châm ngôn "Không bao giờ bỏ cuộc!")
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt/ Chuyên gia đào tạo Kỹ năng Sales và Quản lý Bán hàng
Xem lại: Võ Thuật và kinh doanh - P3 Xem tiếp: Võ Thuật và Kinh Doanh - P5
EmoticonEmoticon