VÕ THUẬT VÀ KINH DOANH – PHẦN 1

02:30
VÕ THUẬT VÀ KINH DOANH – PHẦN 1
Tôi tập võ không giỏi nhưng những gì tôi học được từ các Sư Phụ và các môn võ thì không bao giờ tôi DÁM quên, vì đó không phải là những triết lý đơn thuần mà là những phương châm sống, áp dụng hiệu quả ở mọi nơi!
vo thuat va kinh doanh

1. “Tôi không sợ 10,000 cú đánh khác nhau của bạn mà chỉ sợ cú đánh bạn đã luyện cả 10,000 lần” (Châm ngôn Thiếu Lâm Tự)– Vì cú đánh ấy chứa uy lực tự nhiên của cả 10,000 lần, không thừa không thiếu đi thẳng vào cái thứ nó cần thực hiện. Quan trọng hơn hết, kỹ năng đó đã thành phản xạ. Trong thể thao, khi anh thực hiện nhiều lần thì động tác ăn vào máu và vì thế cử động là tự nhiên nhất và vì tự nhiên nhất nên nó hiệu quả nhất. Trong kinh doanh cũng thế, nếu anh/chị xem một show trong chương trình Shark Tank của Mỹ sẽ hiểu ngay các vị tham gia chương trình đó tại sao lại là các đại gia. Họ đã quá quen với thị trường tới mức, chỉ một ý tưởng, dù ngô nghê tới đâu cũng đủ nhìn ra nó có thể thực hiện thành công hay không.

2. “Đấu võ thực chất là đấu cơ bản công” (Châm ngôn Nội gia) – Tôi không hiểu sao có nhiều môn võ thuật mà trong đó chú trọng sự đa dạng phức tạp của đòn thế tới vậy. Hãy nhìn lên sàn đấu UFC nơi mọi môn phái có thể tham gia, số lượng đòn thế ngày càng hạn chế hơn vì những gì bay bướm thừa thãi đều đã bị loại thải vì nó làm người dùng thua cuộc! Trong kinh doanh, sự thành công đôi khi chỉ do một vài điểm mạnh luôn được trui rèn của doanh nhân. Các cụ nhà mình từng có nhiều câu tương tự như câu này: Buôn tài không bằng dài vốn

3.“Khi tập võ trước mặt không có đối thủ coi như có, khi đấu thật, trước mặt có đối thủ coi như không”(Châm ngôn Thiếu Lâm Tự)– Luyện tập không phải áp dụng chỉ cho kỹ năng mà cả cho tinh thần nữa. Một việc đơn giản trong môn tán thủ mà nhiều người phải tập là khi đấm phải coi như đấm xuyên qua mục tiêu chứ không phải đấm tới mục tiêu. Và khi họ đối diện đối thủ trên sàn, thì chỉ có may mắn mới làm đối thủ không gục ngã khi dính đòn. Trong kinh doanh, chúng tôi phải học cách luôn đặt ra mục tiêu cao hơn khả năng hiện tại, vì chỉ có thế chúng tôi mới tiến lên, hàng ngày.

4.“Người biết võ đánh như kẻ không biết gì về võ” (Thầy Sao – Vịnh Xuân) – Có nhiều lý do cho việc này, một là để đối thủ không đề phòng, hai là để không lộ dấu hiệu khi xuất đòn, nhưng cái dễ hiểu nhất mà tôi nghĩ mọi người đều phải đồng ý đó là “cách chúng ta làm một việc là cách chúng ta làm mọi việc”. Động tác tự nhiên là thể hiện rõ nhất của một người lành nghề, vì lúc ấy anh ta tập trung vào cái cần làm chứ không phải cái cần thể hiện, mà cái cần trong đòn đánh là đòn kết thúc thì có kẻ phải gục, vậy thôi! Trong kinh doanh cũng thế, tôi luôn thấy cảm phục các anh/chị đại gia xuất thân ở mức thấp. Họ có cách làm chả giống ai, trong lúc họ làm thì không ai hiểu là để làm gì. Nhưng khi kết thúc thì họ đã thành người khác và lúc đó thiên hạ chỉ còn biết trầm trồ!

5.“Không có vũ khí tốt nhất, nếu là người có kỹ năng thì chỉ cần một cái đinh vít cũng đủ lắm chuyện rồi”( Thầy Sao – Vịnh Xuân) – Một chị bạn trong group nói với tôi: Chị thấy vào đây có quá nhiều thứ phải học, và chị ngạc nhiên là tại sao tới giờ chị vẫn làm ăn tốt khi mình thiếu tất cả những thứ vô cùng quan trọng đó? Chị nói quả không sai, nhưng xét về khía cạnh nào đó, có lẽ chị chưa nhìn ra điểm mạnh nhất của chị, điểm đã đưa chị thành một người thành đạt trong khi những người khác có cùng xuất phát điểm và kiến thức, kỹ năng như chị thì lại không thành công! Trong thực tế, dù rất ngạc nhiên, tôi cũng phải thừa nhận là đôi khi chỉ cần một điểm mạnh nhỏ, nhưng biết cách dùng thì một người có thể thành công ở mức độ rất lớn! So sánh đơn giản thế này, khi tôi thi vào P&G, báo tin là đỗ mà tôi còn ngạc nhiên, vì lúc đó tôi chỉ là một cậu bé mới đi làm được khoảng hơn 1 năm, không biết gì về sales, các đối thủ thi cùng thì toàn người học MBA hoặc có kinh nghiệm nhiều hơn tới gần 10 năm. Về sau mới rõ, họ tuyển tôi vì họ cần người có tiềm năng và quan trọng nhất lúc đó, khi thị trường khó khăn, cần phát triển thì họ thích người có đủ hai tiêu chí, Lỳ và cần tiền giống tôi! Một tổng kết hài hước đã đưa ra về các start up ở Mỹ, trong đó ưu thế khẳng định vượt trội lại thuộc về những người không học đại học. Chính vì sự liều lĩnh và không biết gì của họ nên họ cứ thế lao vào làm việc. Trong khi đó, các MBA hay các Ph. D thì lại bận rộn so sánh, tính toán xác suất thành công và do cẩn thận quá nên bỏ lỡ cơ hội!

6.“Đánh được thì lấn, không đánh được thì lái” (Thầy Sao – Vịnh Xuân) – Không phải lúc nào anh chị cũng chiếm thế thượng phong, sản phẩm của anh chị cũng thế. Hãy tập làm quen với việc anh chị kém hãng A về công dụng sản phẩm, hãng B về giá cả, hãng C về khuyến mại, hãng D về quy trình làm việc,..Quan trọng nhất là anh chị có biết điểm mạnh của sản phẩm mình có không và dùng nó để cạnh tranh ra sao? Ví dụ: Nếu sản phảm của anh chị vượt trội đối thủ thì hãy quảng bá về điều đó, cạnh tranh thẳng thắn để khách hàng về theo mình. Còn nếu sản phẩm của chúng ta có điểm kém hơn thì chúng ta phải tìm cách động viên nhân viên, thậm chí là thăng thưởng cho họ để họ nỗ lực nhiều hơn và nhờ sự cố gắng của họ mà mình bán được hàng chứ không phải đặc tính sản phẩm.

#qtkn_doxuantung
#qtkn_sales
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt/ Chuyên gia đào tạo Kỹ năng Sales và Quản lý Bán hàng

VÕ THUẬT VÀ KINH DOANH – PHẦN 1 VÕ THUẬT VÀ KINH DOANH – PHẦN 1
910 1

VÕ THUẬT VÀ KINH DOANH – PHẦN 1 - Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt/ Chuyên gia đào tạo Kỹ năng Sales và Quản lý Bán hàng

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »