Đắc Nhân Tâm - Phần II - Chương 4
Chương 4 : Thành Thật Quan Tâm Đến Người Khác
Công ty điện thoại New York đã từng tiến hành
một nghiên cứu chi tiết qua các cuộc điện thoại để tìm xem từ nào là từ được
dùng nhiều nhất. Kết quả cho thấy đó là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “Tôi”.
Nó đã được dùng 3.900 lần trong 500 cuộc điện thoại. Khi nhìn bức ảnh một
nhóm người trong đó có bạn thì ai là người bạn tìm kiếm đầu tiên ? Nếu bạn tin
là mọi người điều chú ý đến bạn thì xin hãy trả lời câu hỏi sau đây : "Nếu
chẳng may hôm nay tôi qua đời thì có bao nhiêu người đến viếng và đưa tiễn tôi
?"
Khi chúng ta cố gây ấn tượng với người khác
chỉ để người ấy quan tâm đến mình, chúng ta sẽ không bao giờ có nhiều bạn bè
thật sự chân thành.
Ai không quan tâm đến đồng loại sẽ gặp những
khó khăn lớn nhất trong đời và sẽ gây ra những tổn hại lớn nhất cho người khác
và sau đó đến chính họ. Chính từ những cá nhân ấy mà mọi thất bại và tai hoạ
của con người nảy sinh.
Tôi từng dự một khoá viết truyện ngắn ở Đại
Học New York. Khi đó Giám đốc một tạp chí hàng đầu đã phát biểu : Nếu
không quan tâm đến mọi người thì đừng mong trở thành một nhà văn viết truyện
ngắn thành công. Ông nói rằng chỉ cần đọc một vai đoạn trong bất kỳ truyện ngắn
nào, ông đều có thể nói ngay tác giả đó có yêu độc giả của mình hay không. Nếu
như người viết không quan tâm, không trân trọng độc giả thì độc giả cũng sẽ
không thích truyện của người đó. Việc đối nhân xử thế cũng vậy.
Tôi có dịp trò chuyện với Howard Thurston, một
ảo thuật gia nổi tiếng thế giới, trong lần cuối cùng ông xuất hiện trên sân
khấu Broadway. Suốt 40 năm, ông đã từng làm hơn 60 triệu người phải tròn xoe
mắt kinh ngạc trước những màn biểu diễn của mình và ông đã kiếm được tổng cộng
2 triệu đôla nhờ công việc ấy. Tôi hỏi bí quyết thành công của Thurston, ông
cho rằng giáo dục trong trường học chẳng liên quan gì đến thành công của ông.
Khi còn là một cậu bé, ông đã bỏ nhà đi lang thang, nhảy tàu, ngủ bờ ngủ bụi,
và xin ăn hết nhà này đến nhà khác. Ông học chữ qua các panneau quảng cáo và các
biển chỉ đường. Phải chăng ông có kỹ thuật siêu đẳng về ảo thuật ? Không, ông
bảo rằng có hàng trăm quyển sách viết về ảo thuật và hàng chục người biểu diễn
giỏi hơn ông. Tuy nhiên, ông có hai điều mà người khác không có :
- Thứ nhất, ông có khả năng nêu bật nhân cách
của mình vượt trên ánh đèn sân khấu. Ông là một nhà ảo thuật bậc thầy. Ông hiểu
bản tính con người. Mọi điều ông làm, mọi cử chỉ, giọng nói, mỗi cái ngước mắt
nhìn đều được tính toán cẩn thận từ trước. Mọi động tác của ông đều được tính đến
một phần nhỏ của giây.
- Thứ hai, và điều này rất quan trọng là ông
có một tình yêu thật sự dành cho khán giả. Ông bảo “Nhiều nhà ảo thuật thường
nhìn khán giả và tự nhủ “tốt lắm! Đây là một đám người tỉnh lẻ dễ lừa bịp, ta
sẽ đánh lừa họ dễ dàng thôi”. Còn ông, thì khác hẳn, "Tôi biết ơn những
người đến xem tôi biểu diễn, họ cho tôi cơ hội kiếm sống bằng một nghề rất thú
vị. Tôi sẽ đem đến cho họ những màn trình diễn hay nhất của tôi". Ông chưa
bao giờ ra trước ánh đèn sân khấu mà không tự nhủ “Tôi yêu khán giả của tôi,
tôi yêu quý tất cả các bạn”.
Chắc hẳn các bạn nghĩ rằng cách nói của ông có
vẻ ngớ ngẩn và buồn cười nhưng đó thật sự là phương pháp được một trong những
nhà ảo thuật nổi tiếng nhất mọi thời đại sử dụng thành công.
Đây cũng chính là bí quyết của Tổng thống
Theodore Roosevelt. Ngay cả những người phục vụ cũng yêu mến ông. James Amos,
một người phục vụ của Roosevelt đã viết một quyển sách về ông nhan đề “Theodore
Roosevelt, thần tượng của những người phục vụ”. Trong sách có đoạn : "có lần
vợ tôi hỏi Tổng thống con chim đa đa trong như thế nào ? vì cô ấy chưa từng
nhìn thấy. Lúc đó, Ngài mô tả cặn kẻ cho cô ấy. Lát sau, chúng tôi có điện
thoại, đầu dây bên kia là Tổng thống. Ngài gọi và bảo vợ tôi rằng “hiện có một
con chim đa đa ngoài sân, cứ nhìn ra cửa sổ sẽ thấy ngay”. Tính cách của Ngài
là thế, lúc nào cũng thân thiện, ân cần. Mỗi khi đi ngang qua căn phòng của
chúng tôi, dù không nhìn thấy vợ chồng tôi ở đây, ông vẫn gọi to Annie hoặc
James giọng hết như lời chào hỏi với những người bạn với nhau. Làm sao
nhân viên không yêu mến những nhà lãnh đạo như thế ? Làm sao mọi người lại
không yêu mến một nhân cách như thế ?
Roosevelt còn được kính trọng vì tính cách rất
khiêm tốn của mình. Sau khi mãn nhiệm, có lần ông được mời vào Nhà Trắng, khi Tổng
thống Talf và phu nhân không ở đó, ông đến và chào tất cả những nhân viên cũ mà
ông gặp bằng tên thân mật của họ. Khi ông gặp cô phụ bếp, Alice, ông hỏi :
Alice có còn làm món bánh ngô hay không ? Cô đáp - Cô vẫn làm nhưng bây
giờ chỉ dành cho những người phục vụ. Ông nói ngay : "Oh ! Sao họ lại
không biết thưởng thức như vậy ? Ta sẽ nói điều này với Tổng thống khi ông ấy
quay về và vui vẻ nhận chiếc bánh ngô mà Alice tặng ông sau đó. Trên đường ra
về, ông vẫy chào tất cả những người làm vườn mà ông gặp. Sự trân trọng của
Roosevelt với những người đã từng làm việc và phục vụ mình trước đây khiến
chúng tôi vô cùng xúc động.
Hoover, đội trưởng đội cận vệ làm việc hơn 40
năm ờ Nhà Trắng, xúc động kể lại “2 năm rồi, chúng tôi mới có lại một ngày hạnh
phúc như thế. Không tiền bạc nào có thể đánh đổi được những tình cảm như vậy.”
Một người bình thường vẫn có thể nhận được sự
chú ý cũng như thời gian và sự hợp tác của những nhân vật nổi tiếng bằng cách
thật sự quan tâm và ngưỡng mộ họ.
Cách đây nhiều năm, tôi tổ chức một khoá học
cách viết tiểu thuyết ở viện nghệ thuật và khoa học Brooklyn. Chúng tôi mong
muốn những tác giả nổi tiếng đến Brooklyn và chia sẽ những kinh nghiệm quý báu
cua họ. Thế là chúng tôi viết thư cho những tác giả nổi tiếng này, bày tỏ lòng cảm
kích và ngưởng mộ đối với những tác phẩm của họ và rất mong nhận được lời
khuyên cũng như học những bí quyết thành công từ họ. Mỗi bức thư đều được ký
với gần 150 học viên. Trong khi chúng tôi cùng trình bày rằng, chúng tôi hiểu
các tác giả đều rất bận rộn, nên không thể chuẩn bị một bài diễn thuyết được.
Vì thế chúng tôi đính kèm một danh sách những câu hỏi về phương pháp viết văn
để họ tiện trả lời. Và kết quả là tất cả những nhân vật nổi tiếng đó đều đến
Brooklyn để chia sẻ với chúng tôi. Cũng bằng phương pháp này, tôi đã thuyết
phục được Shaw, Bộ trưởng bộ tài chính trong chính phủ của Roosevelt và nhiều
nhân vật lỗi lạc khác đến nói chuyện với các học viện.
Công nhân trong một nhà máy, nhân viên trong
một cơ quan hay một ông vua trên ngai vàng, điều yêu thích những người thán
phục mình.
Có một nguyên tắc rất đơn giản : Nếu chúng ta
muốn có những người bạn thật sự thì hãy nghĩ và làm việc gì đó cho họ, dành cho
họ thời gian, sức lực và sự quan tâm không vụ lợi.
Tôi có thói quen kín đáo dò hỏi ngày sinh của
bạn bè từ rất nhiều năm trước. Vào đầu mỗi năm, tôi ghi chú những ngày sinh
nhật này trong quyển lịch bỏ túi. Khi những ngày ấy đến, tôi sẻ gởi một bức thư
hay một món quà cho họ. Và bạn có tin không, sự vui mừng của họ khiến tôi cảm
thấy dường như mình là người duy nhất trên trái đất này nhớ đến ngày sinh của
họ.
Nếu như bạn muốn kết bạn với người khác thì
hãy chào họ một cách thật sôi nổi và nhiệt tình. Khi có ai đó gọi điện thoại
cho bạn, bạn hãy nói câu “xin chào” bằng một giọng biểu lộ sự vui thích thật
lòng. Ban đã từng nghe về giọng nói biết cười đúng không ? Những công ty huấn
luyện nhân viên trực điện thoại chào người gọi đến bằng giọng nói toát
lên niềm vui, sự quan tâm và lòng nhiệt tình. Người gọi đến sẽ cảm thấy được sự
quan tâm thật sự. Đừng quên điều này khi bạn gọi hay trả lời điện thoại hôm nay
nhé.
Biểu lộ sự quan tâm chân thành đối với người
khác không nhửng giúp bạn có thêm bạn bè mà còn có thể làm tăng lòng trung
thành của khách hàng đối với công ty bạn.
Trong một kỳ phát hành của tờ báo thuộc ngân
hàng quốc gia Bắc Mỹ ở New York. Toà soạn đã cho đăng lá thư của một khách hàng
tên là Madelyn gửi Giám đốc ngân hàng này. Lá thư như sau :
“Tôi muốn ông biết rằng tôi rất quý mến các
nhân viên làm việc trong ngân hàng của ông. Ai cũng lịch sự, nhã nhặn và sẳn
sàng giúp đỡ. Thật thú vị khi được một cô thu ngân chào đón vui vẻ sau khi mình
đã chờ đợi lâu như vậy. Năm rồi Mẹ tôi nằm bệnh viện suốt nhiều tháng, tôi
thường giao dịch với Margaret. Cô ấy quan tâm đến cả gia đình tôi và hỏi thăm
tình hình sức khoẻ của Mẹ tôi.” Bạn nghĩ khách hàng Madelyn có bỏ ngân hàng này
được không ?
Charles Walters, nhân viên của một trong những
ngân hàng lớn nhất New York được giao nhiệm vụ chuẩn bị một báo cáo mật về một
tập đoàn. Anh chỉ biết có một người duy nhất nắm giữ những thông tin mà anh cần
gấp. Khi Walters được đưa vào phòng của nhân vật nắm giữ những thông tin quan
trọng này, anh nghe cô thư ký trẻ bảo rằng : Hôm nay, cô không có con tem nào
cho ông cả. Ông giải thích với Walters “Tôi đang sưu tập tem cho thằng con trai
12 tuổi”. Walters trình bày công việc của mình và bắt đầu đưa ra những câu hỏi.
Ông trưởng phòng này tỏ ra mơ hồ, trả lời chung chung mà không đi vào trọng
tâm. Ông không muốn nói và xem ra không điều gì có thể thuyết phục ông ta nói
cả.
“Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi và khô khan”- ông
Walters nói khi kể lại câu chuyện cho lớp học của tôi nghe. “Thú thật, tôi
không biết nên làm như thế nào. Sau đó, tôi nhớ lại điều mà cô thư ký đã nói
với ông ta, đó là những con tem, cậu con 12 tuổi. Và tôi chợt nhớ rằng bộ phận
đối ngoại của ngân hàng chúng tôi giao dịch thư từ khắp nơi nên chúng tôi có
những con tem từ rất nhiều Quốc gia trên thế giới. Chiều hôm sau, tôi đến thăm
ông trưởng phòng này và viết một lưu ý nhỏ gửi trước cho ông rằng tôi đã có
được vài con tem cho cậu con trai của ông. Ông ta bắt tay tôi niềm nở như thể
đang tranh thủ cử tri để tìm đường vào Quốc Hội. Nụ cười bừng nở trên mặt ông
và thiện chí biểu lộ rõ rệt qua thái độ. Ông vừa nói vừa ngắm nhìn, vừa vuốt ve
những con tem : “Thằng George nhà tôi sẽ thích những con tem này lắm. Quả là
một kho báu !”. Chúng tôi có nửa giờ đồng hồ nói chuyện về tem và xem hình cậu
bé. Ngay sau đó, ông dành hơn một giờ cung cấp cho tôi mọi thông tin mà tôi
cần, thặm chí không cần tôi phải gợi ý, rồi ông lại gọi những nhân viên khác
vào để bổ sung thêm nữa. Chưa hết, ông còn gọi điện thoại cho một vài người
cộng tác với ông. Ông cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin mới, các sự kiện,
hình ảnh, báo cáo và cả những thư từ liên quan. Theo cách nói của giới phóng
viên, tôi đã có được những tin tức hấp dẫn nhất và hot nhất.”
Dưới đây là một minh hoạ khác.
Nhiều năm ròng, Knaphle ở Philadelphia, tìm
cách bán chất đốt cho một tổ chức bán hàng đa cấp lớn nhưng công ty này vẫn
tiếp tục mua chất đốt của một nhà cung cấp ngoài thành phố và họ giao hàng ngay
trước cổng công ty của Knaphle. Một buổi tối nói chuyện trước lớp học của tôi,
ông Knaphle bộc lộ sự bực tức đối với công ty bán hàng đa cấp nọ.
Tôi gợi ý ông thử một cách tiếp cận khác.
Chúng tôi tổ chức một cuộc tranh luận với những học viện trong lớp về sự phát
triển của lối bán hàng đa cấp đang gây cho đất nước nhiều thiệt hại hơn lợi
ích.
Theo gợi ý của tôi, Knaphle đứng về phía ủng
hộ, ông tán thành và bênh vực những tổ chức bán hàng đa cấp.
Sau đó, ông đến gặp thẳng một uỷ viên quản trị
của tổ chức bán hàng đa cấp mà ông từng bực tức : "Tôi không đến đây để
tìm cách bán chất đốt. Tôi đến để nhờ ông giúp tôi một việc”.
Sau đó, ông kể về cuộc tranh luận. “Tôi đến
nhờ ông giúp bởi vì tôi không nghĩ ra một người nào khác có đủ khả năng và kiến
thức sâu rộng cho tôi được những lời khuyên mà tôi đang cần. Tôi sẽ rất biết ơn
những giúp đỡ của ông.
Sau một phút nghe tôi trình bày, ông ấy mới
mời tôi ngồi và nói chuyện với tôi đúng 1 giờ 47 phút. Ông gọi một người quản
trị khác, vốn đã từng viết một quyển sách về bán hàng đa cấp đang giữ việc soạn
thảo cho Hiệp hội bán hàng đa cấp Quốc gia, trao cho tôi một bản sao cuộc tranh
luận về vấn đề này. Ông ấy cảm thấy rằng việc bán hàng đa cấp đã có phần mang
lại lợi ích thật sự cho con người. Ông tự hào về điều ông đang làm cho hàng
trăm cộng đồng. Khi nói, mắt ông sáng bừng lên, và tôi phải thú nhận rằng ông
đã mở mắt cho tôi thấy được những điều mà tôi chưa bao giờ mơ đến. Ông đã làm
thay đổi toàn bộ thái độ và cách nhìn của tôi.
Khi tôi ra về, ông đưa tôi ra cửa, ôm vai tôi
rồi chúc tôi thành công trong cuộc tranh luận. Ông còn ân cần bảo tôi trở lại
và cho ông biết kết quả như thế nào. Những lời cuối cùng của ông là : “Mong
rằng anh sẻ trở lại, tôi muốn đặt hàng chất đốt của anh”. Với tôi, điều đó gần
như là một phép mầu. Ông sẳn lòng mua chất đốt cho tôi mà không cần tôi
gợi ý hay yêu cầu. Chỉ bằng việc thật sự quan tâm đến ông và công việc của ông
chứ không phải bắt ông quan tâm đến tôi và sản phẩm của tôi. Trong chưa đầy 2
tiếng đồng hồ, tôi đã đạt được một kết quả mà suốt 10 năm qua, tôi tìm kiếm vô
vọng.
Không phải ông Knaphle phát hiện ra được một
chân lý mới. Một trăm năm trước khi Chúa Jésus ra đời, nhà thơ La mã lừng danh,
Publius Syrus, đã nhận xét : “Chúng ta chỉ quan tâm đến người khác khi họ quan
tâm đến chúng ta”. Cách biểu lộ sự quan tâm cũng tương tự việc ứng dụng các
nguyên tắc khác trong đối nhân xứ thế : phải thật lòng, không giả dối. Nó phải
có lợi với người biểu lộ mối quan tâm và cả người nhận được sự quan tâm. Kết
quả cuối cùng luôn phải đảm bảo đôi bên cùng có lợi.
Martin Gilbeck, một học viên của tôi ở Long
Island - New York, kể về một người điều dưỡng đã gây ấn tượng đặc biệt cho ông
và tác động sâu sắc đến đời ông như sau :
"Đó là ngày lễ Tạ Ơn năm tôi lên 10, tôi
đang nằm trong một bệnh viện từ thiện của thành phố, để hôm sau trải qua một ca
phẫu thuật quan trọng. Tôi biết rằng mình sẽ phải chịu đựng đau đớn và bị giữ
chặt trên giường hàng tháng trời. Cha tôi qua đời, hai Mẹ con tôi sống trong
một căn phòng nhỏ. Thật không may là ngày hôm ấy, Mẹ tôi lại bị bệnh nên không
thể đến thăm tôi được. Ngày hôm đó cứ kéo dài ra mãi, cảm giác cô đơn, thất
vọng và sợ hãi bao trùm lấy tôi. Tôi biết Mẹ tôi cũng ở nhà một mình, lo lắng
cho tôi không có ai ở bên cạnh, không có ai để cùng ăn và thậm chí không có đủ
tiền để đãi tôi một bữa tiệc vào ngày lễ Tạ Ơn. Nước mắt tủi thân cứ trào ra,
tôi gục đầu trên gối, kéo chăn đắp cho đỡ lạnh lòng, khóc một mình trong lặng
lẽ đau xót, tự thương mình và thương Mẹ. Cả người tôi đau đớn như bị tra tấn.
Một cô điều dưỡng tập sự nghe tiếng khóc, đã đến bên tôi. Cô kéo chăn ra khỏi
mặt tôi và bắt đầu lau nước mắt cho tôi. Cô chia sẻ với tôi cảm giác cô đơn và
tâm sự rằng cô cũng rất buồn vì phải làm việc và không thể về với gia đình
trong lúc cần sum họp này. Thế rồi, cô mời tôi cùng ăn trưa, đó là 2 khay thức
ăn với những món ăn thường dùng cho ngày lễ Tạ Ơn. Dựa theo kế hoạch, vào 4 giờ
chiều, cô có thể ra về, song cô vẫn ở lại với tôi cho đến tận 11 giờ đêm.
Cô vui đùa, nói chuyện với tôi cho đến khi tôi chìm vào giấc ngủ. Nhiều lễ Tạ
Ơn khác đã đến và qua đi trong đời, nhưng tôi vẫn luôn nhớ mãi ngày lễ Tạ Ơn
năm ấy, tôi đã chìm trong nỗi lạnh lẽo của cảm giác hụt hẩng, cô đơn và sợ hãi
nhưng bỗng tìm thấy hơi ấm và sự dịu dàng từ một người hoàn toàn xa lạ. Từ lúc
đó, tôi được tiếp thêm một sức mạnh thần kỳ để có thể vượt qua tất cả những đau
đớn, buồn khổ xảy đến trong đời mình.
Sự quan tâm chân thành đến người khác sẽ tạo
ra những phép mầu. Phép mầu ấy không chỉ dành cho người khác mà còn dành cho
chính bạn. Hãy luôn nhớ rằng bạn có 2 cánh tay : một để tự giúp mình và một để
giúp người khác.
"Một người có thể thành công trong hầu
hết mọi việc nếu anh ta có một lòng nhiệt tình vô hạn" - Charles Watts.
Nguyên tắc 4 : Thật lòng
quan tâm đến người khác.Xem tiếp: Đắc Nhân Tâm - Phần 2 - Chương 5
EmoticonEmoticon